[Nhân Vật] Team Hoyt - Người Cha Gây Cảm Động Thế Giới Trong Làng Thể Thao

Nam N. Phung
Đăng ngày 26/09/2020
1,181 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Nếu như bạn là một tín đồ chạy bộ, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu chuyện cảm động về tình phụ tử của Team Hoyt. Hôm nay, ad muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện làm chúng ta phải rơi lệ này, cho dù bạn đã từng nghe qua hay chưa đi chăng nữa thì câu chuyện này xứng đáng để chúng ta nhắc lại lần nữa:

Rick Hoyt, ra đời tại bang Massachusetts (Mỹ), do sự cố đáng tiếc xảy ra: sợi dây rốn quấn chặt vùng cổ của anh làm cho tứ chi bị liệt và bại não. Rất nhiều bác sĩ cũng đã từng khuyên cha của anh hãy để anh ở lại bệnh viện tâm thần để tiện cho việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng ông đã từ chối. Ông không hề xem Rick như một đứa con bại não mà ngược lại ông xem anh như những đứa trẻ bình thường. Để chi trả khoản chi phí điều trị khổng lồ cho con trai, Dick Hoyt đã làm ba phần công việc, đồng thời Judy (mẹ của Rick) cũng đã đảm nhận vai trò một người giáo viên, dạy con mình học chữ. Tất nhiên, đôi vợ chồng này cũng đã từng cảm thấy thất vọng vì sự thật phũ phàng này, nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh hào quang trong đôi mắt và nụ cười hồn nhiên của con trai mình, họ tự nhủ rằng những hi sinh của họ là rất đáng.


Vào cái năm mà Rick lên 12 tuổi, phòng nghiên cứu bại não đã nghiên cứu ra một thiết bị có tên gọi “The Hope Machine” (thiết bị cảm ứng thùy trán), thiết bị này có thể giúp Rick chuyển những suy nghĩ của bản thân hiển thị lên màn hình thông qua động tác của đầu, mặc dù tốc độ rất chậm nhưng đây chính là phương pháp đầu tiên giúp họ hiểu những suy nghĩ của cậu bé, do đó cha mẹ của cậu và các kỹ sư rất mong đợi câu nói đầu tiên của Rick:

Tuy nhiên, câu nói đầu tiên của cậu bé bại não này đã làm cho những người chứng kiến vô cùng kinh ngạc: “Go! Bruins*!”. Từ câu nói này của cậu, họ đã phát hiện ra niềm đam mê thể thao của Rick.

*Chú thích: Bruin vào thời điểm đó là thuật ngữ chỉ các đội thể thao chuyên về khúc côn cầu trên băng.

Vào năm Rick lên 15 tuổi, trường trung học phổ thông của anh đang chuẩn bị một hoạt động chạy bộ đường dài gây quỹ cho những VĐV khuyết tật nửa thân dưới, lúc này Rick cũng đã phần nào hiểu được áp lực về chi phí điều trị của cho mẹ anh đã gánh chịu từ bấy lâu. Do đó, anh đã yêu cầu bố của mình giúp anh tham gia hoạt động này. Mặc dù Dick rất đam mê vận động, nhưng người cha tội nghiệp này không hề có chút kinh nghiệm gì về chạy bộ, thậm chí ông không thể hoàn thành cự ly 1 dặm Anh nữa là (khoảng 1.6 km), nhưng ông đã nhận lời Rick cùng con trai lập thành một đội để tham gia cuộc chạy này.

Mặc dù hai cha con đã thuận lợi hoàn thành cuộc đua này, quãng đường chạy chỉ có 5 dặm Anh (khoảng 8 km) cũng đã đủ để Dick đi tiểu ra máu suốt ba ngày liên tục sau khi chạy, và đôi chân của ông cũng không thoát khỏi tình trạng căng cứng suốt hai tuần. Tuy nhiên, câu nói của cậu bé Rick sau khi về đích: “Cha ơi, chỉ khi chạy bộ, con như quên rằng mình là một người khuyết tật”, đã giúp ông nhận ra một điều rằng bản thân ông có thể giúp con mình quên đi những rào cản về mặt sinh lý, đơn thuần cảm nhận thể thao, và chính điều này cũng đã mở ra một trang sử đặc biệt của hai cha con.


Từ đó, Dick đã bắt đầu tập chạy bộ, kết hợp với việc đẩy chiếc xe lăn của con trai mình, tham gia nhiều giải chạy. Năm 1981, hai cha con đăng ký tham gia giải đua nổi tiếng Boston Marathon, tuy nhiên bị ban tổ chức từ chối do điều kiện không phù hợp, vì vậy họ đã chạy theo phía sau đuôi của các VĐV tham gia giải. Cứ thế hai năm trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của giới truyền thông, ban tổ chức Boston Marathon đã chấp nhận cho Dick biết về điều lệ tham gia giải đua vào năm 1983, đó là tiêu chí BQ (Boston Qualified), lúc ấy thành tích của cả hai là 2 tiếng 57 phút, với thành tích này thì chỉ có thể là Dick (43 tuổi) đủ điều kiện tham gia mà thôi, còn Rick thì phải có thành tích dưới 2 tiếng 50 phút mới có cơ hội tham dự.

Sub 3 đối với chúng ta mà nói là một điều không dễ chút nào, huống chi một runner 43 tuổi phải đẩy một vật nặng 59 kg chạy cùng mình. Tuy nhiên, họ không hề bỏ cuộc, mà đã lập mục tiêu tập luyện cho năm sau, trải qua một năm nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ, cả hai đã đạt chuẩn BQ của giải Boston với thành tích chạy 2 tiếng 45 phút và chính thức tham gia Boston Marathon vào năm 1984.

Chính điều này đã mở ra một kỷ lục kéo dài suốt 30 năm với vinh dự tham gia Boston Marathon của hai người, thậm chí ban tổ chức đã mời nhà điêu khắc Mike Tabor tạc tượng hai cha con để làm kỷ niệm, trên tượng đồng còn khắc câu khẩu hiệu của họ: “Yes, you can” (Vâng, bạn có thể).


Sau đó vào năm 1986, hai bố con cũng đã cùng nhau hoàn thành cuộc đua ba môn phốI hợp tại Canada Ironman, và đây cũng chính là lần đua khó khăn nhất của họ. Mặc dù giữa đường bị chuột rút, co thắt dạ dày, nhưng họ vẫn không hề bỏ cuộc giữa chừng, mà đã hoàn thành cuộc đua với thành tích 17 tiếng đồng hồ. Năm ấy, thủ tướng Canada đã đích thân viết thư bày tỏ sự khâm phục của ông về ý chí kiên cường của hai cho con Dick.


Hai bố con Hoyt đã cùng nhau tung hoành khắp nước Mỹ để gây quỹ từ thiện, nhiều phóng viên tò mò hỏi về động lực thúc đẩy họ tham gia những thể loại giải chạy Marathon và ba môn phối hợp, Dick nói rằng: “Nguồn động lực lớn nhất của tôi đó là Rick, nó là nguồn động lực thúc đẩy tôi không ngừng phấn đấu và kiên trì đến cùng, tôi chỉ đơn giản hi vọng nó có thể vào tất cả những hoạt động của một đời người, cũng như những người bình thường vậy, tôi cho rằng đây cũng là điều mà bất kỳ người cha mẹ nào cũng có thể hi sinh cho con mình.”


Rick nói: “Nếu như tôi không ngồi trên xe lăn, tôi muốn tham gia chơi khúc côn cầu, bóng chày hoặc bóng rổ…Nhưng điều tôi hi vọng có thể thực hiện đó là tôi muốn thay thế vị trí của bố, tôi muốn một lần được đẩy bố hoàn thành đường đua.” Điều này cho chúng ta thấy rõ tình cảm sâu đậm giữa hai bố con Rick.


[Nguồn bài viết: Running Biji]